Tiểu sử Ryurik

Nước Nga trước thời Rurik

Cương vực nước Nga thời cổ đại không rộng và thế lực của nó cũng không lớn mạnh như sau này. Trước thế kỷ 9, các bộ tộc người Đông Slav ở trong tình trạng phân tranh cát cứ, mãi đến khoảng trước sau thế kỷ 10 mới xuất hiện quốc gia thống nhất đầu tiên của người Nga, đó là công quốc Kiev. Rurik chính là vương công đầu tiên của công quốc này. Đến thế kỷ 7, nền kinh tế xã hội của người Đông Slav phát triển mạnh mẽ, điều này đã thúc đẩy sự tan rã của công xã thị tộc phụ hệ, hình thành công xã nông thôn dựa trên cơ sở quan hệ địa vực. Các liên minh bộ tộc đều lấy thành thị với những thành quách bảo vệ làm trung tâm. Các thành thị tương đối lớn thời bấy giờ có Novgorod ở phía bắc và Kiev ở phía nam.[2]

Đến giữa thế kỷ 9, người Đông Slav đã qua giai đoạn xã hội công xã nguyên thủy, tiến vào xã hội có giai cấp. Tới lúc này, những tiền đề kinh tế và chính trị cho việc thành lập quốc gia Nga đã đầy đủ. Bắt đầu từ thế kỷ 8, việc buôn bán giữa người Đông Slav và với nước ngoài đã sầm uất. Con đường nối liền từ bán đảo ScandinavieBắc Âu đến Constantinopolis trở thành tuyến đường thông thương quan trọng giữa Bắc Âu với Tây Á. Trên thương lộ này, lái buôn Nga và Thổ qua lại nườm nượp, song những đội buôn này thường xuyên bị người Varyag tập kích cướp hàng hóa. Người Varyag vốn cư trú trên bán đảo Scandinavie. Sau khi Bắc Âu thông thương được với Tây Á, họ tổ chức ra các đội võ sĩ thiện chiến để cướp bóc của cải của thương đoàn các nước, bắt cư dân Slav phải nộp cống thuế. Thành Novgorod nằm trên thương lộ, có ưu thế về thiên thời địa lợi, kinh tế phát triển nhanh chóng, cũng vì thế mà trở thành đối tượng cướp bóc của người Varyag. Để đề phòng và chống lại các cuộc tập kích, địa quý tộc trong thành đã thiết lập nền thống trị của họ.[2]

Rurik lên nắm quyền Novgorod

Theo cuốn biên niên sử xưa nhất của nước Nga thì bắt đầu từ giữa thế kỷ 9, để giành quyền cai quản, hai tập đoàn quý tộc trong thành từ nhiều năm đã xung đột kịch liệt với nhau. Để tránh sứt mẻ cho cả đôi bên, quý tộc Novgorod quyết định mời anh em Rurik - kẻ thù của họ trước đây, vào thành giúp ổn định tình hình. Rurik là thủ lĩnh của người Varyag, dũng mãnh thiện chiến, từ lâu đã chỉ huy võ sĩ của mình kiếm ăn trên thương lộ, xây dựng căn cứ quân sự ở hồ Ladoga, chỉ cách Novgorod 200 dặm Nga.

Năm 862, anh em nhà Rurik đồng ý dẫn quân đến chân thành Novgorod, được quý tộc trong thành mở cổng nghênh tiếp. Sau khi vào thành, Rurik dùng vũ lực nhanh chóng ổn định được tình hình, tiếp đó nắm lấy quyền cai trị, tự phong là vương công, thành lập nước Nga đầu tiên. Lịch sử nước Nga dưới quyền thống trị của vương triều Rurik bắt đầu kể từ đó. Ách thống trị của người ngoại bang vấp phải sự phản kháng của quý tộc địa phương, dẫn tới cuộc bạo loạn của Vadim, nhưng nhanh chóng bị Rurik đập tan. Hai năm sau, hai người anh và em của Rurik qua đời, quyền hành nắm trong tay một mình Rurik. Năm 879, Rurik chết, thân thuộc của ông là Oleg lên nhiếp chính (879–912), Oleg tiếp tục đem quân chinh phục miền nam, chiếm Kiev, thống nhất các bộ tộc, rồi lên ngôi Đại công Kiev.[2]

Rurik cùng hai anh em Sineus và Truvor đặt chân đến Ladoga

Cho đến nay giới sử gia chỉ biết đến Rurik qua bộ Biên niên sử sơ khởi thế kỷ 12 do Nestor viết ra, bộ sử này nói rằng các tộc dân Chud, Đông Slav, Meria, Vese, và Krivich "...đã đuổi người Varyag trở lại vùng biển, từ chối nộp cống cho họ và tự thiết lập nền cai trị của riêng mình". Sau đó các bộ lạc bắt đầu gây chiến lẫn nhau và quyết định mời người Varyag, dưới sự thống lĩnh của Rurik, đến đây để tái lập trật tự. Rurik đã đặt chân lên vùng này trong khoảng năm 860–862 cùng với hai anh em Sineus và Truvor và một đoàn tùy tùng hùng hậu. Sineus đã gầy dựng cứ địa của riêng mình tại vùng Beloozero (nay là Belozersk), trên bờ hồ Beloye, và Truvor ở Izborsk (hoặc tại Pskov). Truvor và Sineus mất ngay sau khi thành lập lãnh thổ của họ, và Rurik đã cho hợp nhất các vùng đất này vào lãnh thổ của ông.

Theo Biên niên sử sơ khởi cho biết, Rurik là một trong số người Rus', một bộ lạc Varyag được nhà biên niên sử đem ra so sánh với người Dane, Swede, Angle và Gotlander. Theo các mục từ trong cuốn Radzivil và Biên niên sử Hypatian[3] trong những năm 862–864, nơi cư trú đầu tiên của Rurik là ở Ladoga. Rồi sau ông cho dời trung tâm quyền lực của mình sang Novgorod, một pháo đài được xây dựng không xa nguồn sông Volkhov. Ý nghĩa của tên địa danh này trong tiếng Nga thời trung cổ là 'pháo đài mới', trong khi ý nghĩa hiện tại ('thành phố mới') được phát triển sau này. Rurik vẫn nắm quyền cho đến khi qua đời vào năm 879. Trước lúc lâm chung, Rurik đã truyền lại lãnh thổ này cho Oleg, một người họ hàng thân thuộc của ông, và giao phó đứa con còn nhỏ tuổi Igor cho Oleg phụ chính. Những người kế vị của ông (Vương triều Rurik) đã dời đô sang Kiev và kiến lập nên quốc gia Rus' Kiev, tồn tại cho đến khi đại quân Mông Cổ xâm lược vào năm 1240. Một số gia tộc nguyên thủy còn sống vốn xuất thân từ nhà Rurik, mặc dù vị Sa Hoàng cuối cùng thuộc dòng dõi Rurik cai trị nước Nga, Vasily IV, đã qua đời vào năm 1612.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ryurik http://www.mk.ru/science/2015/06/24/istorik-v-god-... http://rusplt.ru/society/ryurik--eto-legenda-13348... http://samla.raa.se/xmlui/bitstream/handle/raa/308... http://litopys.org.ua/ipatlet/ipat.htm http://litopys.org.ua/novglet/ https://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut... https://id.loc.gov/authorities/names/n97015174 https://d-nb.info/gnd/1013717430 https://web.archive.org/web/20071013111849/http://... https://web.archive.org/web/20120105164251/http://...